Contents

BỆNH NẤM HỒNG VÀ BỆNH KHÔ CÀNH, KHÔ QUẢ TRÊN CÂY CÀ PHÊ

BỆNH NẤM HỒNG TRÊN CÂY CÀ PHÊ

Nguyên nhân, tác hại

– Do nấm Corticium salmonicolor Berkeley & Broome gây nên. Đầu tiên trên quả cành hay thân xuất hiện những chấm rất nhỏ màu trắng giống như bụi phấn. Những chấm này nhiều lên tạo thành một lớp phấn mỏng sau này có màu hồng đó là bào tử của nấm. Xuất hiện ở mặt dưới cành, cuống quả, quả. Bị hại nặng làm cành chết khô, quả héo và rụng.

– Bệnh thường xuất hiện ở tầng giữa và tầng trên của cây. Còn trên vườn sẽ thấy xuất hiện ở những cây phía ngoài vườn hoặc những vùng có cây bị khuyết. Bệnh phát triển rất nhanh trên từng cây, tốc độ làm chết cành rất nhanh, nhưng khả năng lây lan từ cây này sang cây khác thì chậm.

123665407 383254162815574 1618977834860867188 n

Hình 1: Bệnh nấm hồng

 

Thời gian gây hại

Bệnh nấm hồng phát sinh từ tháng 6 – 7, cao điểm vào tháng 9 và chấm dứt vào cuối mùa mưa (tháng 10 – 11).

Biện pháp phòng trừ

– Kiểm tra vườn cây đầu mùa mưa, nhất là những năm có mưa nhiều để phát hiện bệnh sớm.

– Cắt, đốt cành bị bệnh nấm hồng gây hại nặng.

  • Biện pháp sinh học

– Sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học như: Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP).

– Biện pháp hóa học: Nếu bệnh xuất hiện phổ biến có thể phun một trong các loại thuốc hóa học. Nên phun lúc mới xuất hiện nấm màu trắng (trước khi xuất hiện nấm màu hồng), phun 2 – 3 lần cách nhau 15 ngày. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Validamycin (Validacin 3 L, Validan 5 DD, Vali 5 DD); Hexaconazole (Anvil 5 SC); Carbendazim (Arin 25 SC), Copper Hydroxide (Champion 77 WP).

BỆNH KHÔ CÀNH, KHÔ QUẢ

Nguyên nhân, tác hại

– Bệnh khô cành, khô quả có thể xuất hiện trên quả hoặc trên cành. Bệnh xuất hiện trên quả được gọi với nhiều tên khác nhau như bệnh khô quả, bệnh rụng quả. Trên lá được gọi là bệnh thán thư. Trên quả bệnh có thể xuất hiện trên vỏ quả hoặc trên cuống quả.

– Nguyên nhân gây bệnh do chi nấm Colletotrichum gây nên. Với các loài chính gây hại là Colletotrichum coffeanum, Colletotrichum gloeosporioides.

– Triệu chứng trên vỏ quả: Vết bệnh có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau trên vỏ quả như ở giữa quả, núm quả, gần sát cuống quả. Vết bệnh đầu tiên là một chấm nhỏ có màu vàng nhạt, sau đó lan rộng ra có màu vàng nâu, vết bệnh hơi lõm xuống. Trường hợp bị nặng, vết bệnh có thể lan khắp bề mặt quả, làm vỏ quả có màu nâu đen, quả bị rụng hoặc khô trên cây.

123431018 370245234392842 1099648422364204391 n

Hình 2. Quả mới bị nhiễm nấm Colletotrichum

 

 

123591059 1090723981397754 5414164485126025917 n

Hình 3. Quả bị gây hại nặng do nấm Colletotrichum

 

 

– Triệu chứng trên cuống quả: Cuống quả bị mủn, tạo thành lớp bột màu trắng ; Quả có thể rụng khi còn xanh hoặc chuyển sang màu xanh hồng rồi mới rụng.

Tất cả các vườn cà phê chè không có cây che bóng, tạo hình không đúng, phân bón không đầy đủ sau một năm được mùa hầu hết bị khô cành khô quả mất rất nhiều thời gian và công sức để phục hồi

Thời gian gây hại

Bệnh xuất hiện đầu tiên vào mùa mưa và tồn tại quanh năm trên vườn cây, gây hại nặng vào cuối vuh thu hoạch.

Biện pháp phòng trừ

– Trồng cây che bóng hợp lý và bón phân đầy đủ, cân đối.

– Cắt bỏ cành bị bệnh.

– Tạo hình thông thoáng.

– Biện pháp hóa học: Chỉ phun thuốc các cây bị bệnh. Phun thuốc 2 – 3 lần, khoảng cách giữa các lần phun tùy áp lực của bệnh và theo hướng dẫn của từng loại thuốc. Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun lên quả, cành: Propineb (Antracol 70 WP); Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325 SC); Tebuconazone + Trifloxystrobin (Nativo 750 WG).

Trích nguồn tài liệu: “Bộ bài giảng và công cụ bài giảng về sản xuất cà phê bền vững”

MỌI THÔNG TIN CẦN TRAO ĐỔI VỀ KỸ THUẬT CÂY TRỒNG  VÀ TƯ VẤN SẢN PHẨM QUÝ BÀ CON LIÊN HỆ TRỰC TIẾP QUA SỐ ĐIỆN THOẠI: 0914 347 247

Cuối cùng, cám ơn bà con đã theo dõi bài viết, xin kính chúc quý bà con sức khoẻ, vụ mùa bội thu!

Hotline: 0914.347.247